Kế hoạch Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp hè năm 2024 trên địa bàn thành phố Nha Trang
Thực hiện Kế hoạch số 7842/KH-UBND ngày 18/7/2024 của UBND tỉnh Khánh Hòa về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp hè năm 2024 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; ngày 24 /7/ 2024, UBND thành phố Nha Trang ban hành Kế hoạch số 5871 /KH-UBND-YT với một số nội dung cụ thể như sau:
1. Thời gian triển khai Kế hoạch: Từ tháng 7/2024 đến tháng 9/2024
2. Nội dung kế hoạch
Kế hoạch nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và vai trò của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là ATTP); Nâng cao kiến thức thực hành và trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố (sau đây gọi chung là cơ sở thực phẩm); Nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm và vai trò của người tiêu dùng trong việc ngăn chặn sản phẩm thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường; góp phần phòng ngừa nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần mang đến cho du khách kỳ nghỉ trọn vẹn; qua đó khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch Nha Trang - Khánh Hòa an toàn, thân thiện.
Trong triển khai Kế hoạch cần đảm bảm hoạt động truyền thông phải bảo đảm nội dung thiết thực và hình thức đa dạng, phù hợp cho từng đối tượng để nâng cao hiệu quả truyền thông; Hoạt động kiểm tra phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật và không gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở thực phẩm; đồng thời phải bảo đảm đúng theo phân công, phân cấp quản lý và nguyên tắc phối hợp trong kiểm tra về an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng trùng lắp, chồng chéo.
3. Các hoạt động triển khai
* Về hoạt động truyền thông
- Tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, người quản lý và nhân viên tham gia trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh tại các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó tập trung tổ chức tập huấn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn…), cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố về phương pháp chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm an toàn; hướng dẫn các cơ sở thực phẩm tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ chủ động phát hiện các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm để có biện pháp khắc phục kịp thời...Ngoài ra cần phổ biến 10 nguyên tắc vàng chế biến an toàn thực phẩm phòng ngừa NĐTP, các biện pháp phòng tránh NĐTP mùa nắng nóng.
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, cung cấp kiến thức để người dân hiểu rõ các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thay đổi thói quen về ATTP. Ngoài ra tuyên truyền quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thực phẩm an toàn, hãy là người tiêu dùng thông thái mua thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, không nên mua thực phẩm tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh để góp phần đẩy lùi tình trạng thực phẩm bẩn không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
- Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng,…trong công tác tuyên truyền để phát huy vai trò vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tuyên truyền kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, pano, áp phích, tờ rơi, tuyên truyền lưu động,…
* Về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm
- Các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường theo chức năng nhiệm vụ được phân công, phân cấp tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã được phê duyệt và kiểm tra đột xuất theo quy định; lấy mẫu thực phẩm phục vụ kiểm tra, hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó chú trọng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; lưu ý việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn.
- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP nhất là các cơ quan quản lý cấp huyện và cấp xã phải kiên quyết xử phạt và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, ngăn chặn chuỗi cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn đến người tiêu dùng.
* Hoạt động giám sát an toàn thực phẩm
- Nhằm phát hiện nhanh, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; các cơ quan, đơn vị chuyên môn chủ động tổ chức lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, tập trung vào thực phẩm tươi sống, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản…); các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (thịt gà, nem chả, các nguyên liệu thực phẩm để chế biến bánh mỳ: pate, xúc xích, xíu mại, rau ăn sống...). Kiểm nghiệm các chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm thực phẩm về vi sinh, hóa học theo các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về an toàn thực phẩm hiện hành. Việc kiểm nghiệm được thực hiện bằng test xét nghiệm nhanh hoặc gửi mẫu xét nghiệm tại đơn vị kiểm nghiệm có đủ năng lực để thực hiện việc kiểm nghiệm và trả kết quả theo quy định.
- Tổ chức giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm và phục vụ ăn uống tại các chương trình, sự kiện, lễ hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, lưu ý chỉ những cơ sở thực phẩm bảo đảm cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố mới được phép tham gia hoạt động tại chương trình, sự kiện, lễ hội.
4. Tổ chức thực hiện
UBND thành phố yêu cầu Phòng Y tế, Kinh tế, Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Y tế thành phố, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao, Đội Quản lý thị trường số 1, Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, phường nghiêm túc triển khai các nội dung Kế hoạch, cụ thể như sau:
4.1. Phòng Y tế
- Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý, chú trọng kiểm tra chú trọng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch, cơ sở có dấu hiệu vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xử lý nghiêm và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định pháp luật.
- Phối hợp Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế thành phố, lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đang lưu thông trên thị trường thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế, đặc biệt lấy mẫu giám sát với các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiến hành giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, phục vụ ăn uống tại các chương trình, sự kiện, lễ hội do các Sở, ban, ngành chủ trì tổ chức trên địa bàn thành phố Nha Trang.
4.2 Phòng Kinh tế
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xử lý nghiêm và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định pháp luật.
- Phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú Y thành phố lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đang lưu thông trên thị trường thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương (nếu cần thiết).
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiến hành giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương tại các chương trình, sự kiện, lễ hội do các Sở, ban, ngành chủ trì tổ chức trên địa bàn thành phố Nha Trang.
- Triển khai các hoạt động khác theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở, ngành liên quan.
4.3 Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao
Phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế, Phòng Kinh tế và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền kiến thức bảo đảm ATTP, hướng dẫn đăng tin, bài viết trên Cổng Thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở, tuyên truyền lưu động và các hình thức khác phù hợp tăng cường tuyên truyền về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp hè năm 2024.
4.4 Đội Quản lý thị trường số 1 và Công an thành phố
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các loại hàng hóa thực phẩm đang lưu thông trên thị trường; đồng thời kiểm tra đột xuất các cơ sở thực phẩm có dấu hiệu vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATTP, kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
4.5 UBND các xã, phường
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề phổ biến kiến thức về quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn quản lý; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền lưu động, truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh địa phương, treo băng rôn, pano tại những nơi đông người,...
- Tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở thực phẩm vi phạm theo phân cấp quản lý trong đó mỗi xã, phường tổ chức ít nhất 01 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho cơ sở thức ăn đường phố thuộc thẩm quyền quản lý và tổ chức ít nhất 01 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
- Giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chương trình, sự kiện, lễ hội trên địa bàn quản lý; bảo đảm các cơ sở thực phẩm tham gia đáp ứng các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
UBND thành phố Nha Trang yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã phường nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Minh Chí