Chiều ngày 28/10/2024, UBND phường Vĩnh Phước phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y Nha Trang tổ chức tập huấn chuyên môn, kỹ năng bắt cho cho các thành viên Đội bắt chó thả rông phường. Hội nghị do bà Phan Nguyệt Thu – Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Nha Trang – thực hiện báo cáo.
Tại buổi tập huấn, báo cáo viên đã tập trung trao đổi những nội dung trọng tâm liên quan đến bệnh Dại trên chó, mèo. Theo đó, bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài năm, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh Dại thường được chia làm 02 thể: thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt).
Bà Phan Nguyệt Thu – Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Nha Trang – báo cáo viên
Cũng tại buổi tập huấn, báo cáo viên đã hướng dẫn kỹ năng bắt chó thả rông, cách sử dụng các công cụ hỗ trợ, tư vấn bố trí địa điểm chăm sóc vật nuôi sau khi bắt về; hướng dẫn nghiệp vụ, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, báo cáo viên cũng đã nhấn mạnh những việc cần làm ngay sau khi bị chó cắn để các thành viên Đội bắt chó thả rông lưu ý và xử lý kịp thời khi gặp sự cố, cụ thể: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn; Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; Đến ngay cơ sở Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
Hình ảnh tại buổi tập huấn
Thông qua buổi tập huấn, các thành viên đã được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh Dại, kỹ năng bắt chó thả rông, nghiệp vụ, quy trình tạm giữ, xử phạt vi phạm hành chính; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội bắt chó thả rông phường./.