Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở, được khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2022, PAPI khảo sát 16.117 người dân trên 63 tỉnh/thành phố, 208 huyện/quận/thành phố/thị xã, 416 xã/phường/thị trấn, 832 thôn/tổ dân phố/ấp/bản/buôn (tại Khánh Hòa khảo sát 192 người), với hơn 500 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.
Chỉ số tổng hợp PAPI năm 2022 các tỉnh/thành phố được chia thành 04 nhóm: nhóm đạt điểm “Cao” từ 43,44 - 47,88 điểm (16 tỉnh/thành phố); nhóm đạt điểm “Trung bình cao” từ 42,15 - 43,25 điểm (16 tỉnh/thành phố); nhóm đạt điểm “Trung bình thấp” từ 40,74 - 42,14 điểm (15 tỉnh/thành phố); nhóm đạt điểm “Thấp” từ 38,80 - 40,72 điểm (14 tỉnh/thành phố). Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh không được đánh giá vì khuyết dữ liệu.
Điểm tổng hợp PAPI trung bình chung các tỉnh/thành phố năm 2022 đạt 42,34 điểm, giảm 0,07 điểm so với năm 2021; khoảng cách chênh lệch giữa tỉnh/thành phố có điểm cao nhất so với tỉnh/thành phố có điểm thấp nhất là 9,07 điểm. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có điểm tổng hợp PAPI cao nhất đạt 47,88 điểm, kế tiếp lần lượt là tỉnh Bình Dương đạt 47,45 điểm, tỉnh Thanh Hóa đạt 46,02 điểm,... Tỉnh Cao Bằng thấp nhất đạt 38,80 điểm.
05 địa phương dẫn đầu cả nước về các Chỉ số nội dung gồm: Tỉnh Thanh Hóa dẫn đầu Chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu 03 Chỉ số “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Thủ tục hành chính công”, “Quản trị điện tử”; tỉnh Bình Dương dẫn đầu Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”; tỉnh Vĩnh Phúc dẫn đầu Chỉ số “Cung ứng dịch vụ công”; Chỉ số “Quản trị môi trường” thuộc về tỉnh Đồng Tháp.
Chỉ số tổng hợp PAPI tỉnh Khánh Hòa năm 2022 đạt 43,44 điểm; cao hơn trung bình chung các tỉnh/thành phố 1,09 điểm, xếp thứ hạng 16/61 tỉnh/thành phố, thuộc nhóm đạt điểm “Cao”; tăng 1,75 điểm và 24 bậc so với năm 2021. 07/08 Chỉ số nội dung thuộc nhóm đạt điểm “Trung bình cao” trở lên, trong đó có 02 Chỉ số thuộc nhóm đạt điểm “Cao”; chỉ có 01 Chỉ số nội dung thuộc nhóm đạt điểm “Trung bình thấp”.
Thống kê giai đoạn 2011 - 2022 cho thấy Chỉ số tổng hợp PAPI năm 2022 đạt điểm và thứ hạng cao nhất.
Trong 08 Chỉ số nội dung, tỉnh Khánh Hòa có 06 Chỉ số cao hơn trung bình chung các tỉnh/thành phố (tăng 04 Chỉ số so với năm 2021), gồm: “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công”, “Cung ứng dịch vụ công”, “Quản trị điện tử”, trong đó mức cao nhất 0,47 điểm, thấp nhất là 0,12 điểm. Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” và “Quản trị môi trường” thấp hơn trung bình chung các tỉnh/thành phố lần lượt là 0,47 điểm và 0,03 điểm.
So với năm 2021, tỉnh Khánh Hòa có 07/08 Chỉ số nội dung tăng điểm, gồm “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công”, “Quản trị môi trường”, “Quản trị điện tử” với mức tăng cao nhất là 0,40 điểm, thấp nhất là 0,14 điểm; Chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” giảm 0,19 điểm.
So sánh với 14 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Chỉ số PAPI tỉnh Khánh Hòa năm 2022 có cải thiện rất rõ rệt, cao hơn trung bình chung của vùng 0,04 điểm, xếp thứ hạng 06/14 (năm 2021: thấp hơn 1,74 điểm; xếp thứ hạng 12/14)
Đối chiếu với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI năm 2022 cho thấy Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh đã có cải thiện rất tích cực, đạt và vượt mục tiêu chung đề ra, đó là: Chỉ số tổng hợp PAPI đạt 43,44 điểm, cao hơn trung bình chung các tỉnh/thành phố 1,09 điểm, xếp thứ hạng 16/61 tỉnh/thành phố, thuộc nhóm đạt điểm “Cao”, tăng 1,75 điểm và 24 bậc so với năm 2021; 06/08 Chỉ số nội dung và 17/28 Chỉ số nội dung thành phần cao hơn trung bình chung các tỉnh/thành phố; 07/08 Chỉ số nội dung và 18/28 Chỉ số nội dung thành phần tăng điểm so với năm 2021. Nhiều chỉ tiêu thành phần quan trọng có cải thiện điểm số rất tốt, cao hơn trung bình chung các tỉnh/thành phố và tăng điểm so với các năm trước.
Có được kết quả nêu trên, trước tiên được quyết định bởi sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó thay đổi căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp cơ sở trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền, xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, liêm chính. Bên cạnh đó, sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của Sở Nội vụ - cơ quan được giao làm đầu mối giúp UBND tỉnh trong việc chủ trì, phối hợp triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương, Trưởng thôn/Tổ trưởng Tổ dân phố đã trực tiếp góp phần tạo nên sự cải thiện về điểm số và thứ hạng PAPI của tỉnh.
Bên cạnh các mặt đạt được, kết quả rà soát và phân tích các Chỉ số nội dung và chỉ tiêu thành phần PAPI năm 2022 cho thấy vẫn còn một số hạn chế, đó là: 02/08 Chỉ số nội dung và 11/28 Chỉ số nội dung thành phần thấp hơn trung bình chung các tỉnh/thành phố (trong đó 01 Chỉ số thuộc nhóm đạt điểm “Trung bình thấp”); 01/08 Chỉ số nội dung và 10/28 Chỉ số nội dung thành phần giảm điểm so với năm 2021. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá ở nhiều chỉ tiêu thành phần vẫn còn khá thấp, thể hiện sự thiếu công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; phản ánh một số hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp hộ tịch, y tế, giáo dục,…);…
Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, cải thiện những mặt chưa đạt được, từng bước nâng cao điểm số và xếp hạng Chỉ số PAPI của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường cần quan tâm triển khai một số nội dung sau:
- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI, đặc biệt là Văn bản số 81/UBND-KSTT ngày 05/01/2022 về triển khai các giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh.
- Phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3012/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ Khung nhiệm vụ cải thiện và nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh và Kế hoạch số 433/KH-UBND ngày 19/01/2023 của UBND thành phố Nha Trang về triển khai Bộ khung nhiệm vụ cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI.
- Đối với UBND cấp xã:
+ Tổ chức tuyên truyền, thông tin về kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2023 đến các thôn/tổ dân phố để công dân được biết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại địa phương, phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện; quán triệt và tực hiện tốt chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đối với các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
+ Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách pháp luật liên quan đến đời sống của người dân.
+ Kịp thời công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các thông tin về thu hồi đất, giá đất, các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; công khai các khoản thu, chi ngân sách cấp xã, danh sách hộ nghèo, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước để người dân biết và giá sát,…; thực hiện xét duyệt danh sách hộ nghèo đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, đúng đối tượng.
+ Giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các nội dung kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công đân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc./.