Để triển khai Quyết định số 2205/QĐ-CP ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch số 3621/KH-UBND ngày 05/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, ngày 19/7/2021 UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2049/QĐ-UBND về việc ban hành chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; hướng tới hình thành văn hóa SHTT trên địa bàn tỉnh, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, phấn đấu 100% các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KH-CN, doanh nghiệp KH-CN được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật liên quan đến Luật SHTT và hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các kết quả nghiên cứu KH-CN và đổi mới sáng tạo. Có ít nhất 5 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, các tri thức truyền thống, văn hóa dân gian của tỉnh; ít nhất 50% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, sản phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, hỗ trợ các hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Đến năm 2030, phấn đấu số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích tăng trung bình 20%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 3%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10-15%/năm. Có ít nhất 1 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh được hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền SHTT ra nước ngoài; ít nhất 2-3 giống cây trồng của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với giống cây trồng; ít nhất 5 tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh được thương mại hóa. Có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, các tri thức truyền thống, văn hóa dân gian của tỉnh; ít nhất 70% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, sản phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, hỗ trợ các hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Chương trình có 6 nhóm nội dung, giải pháp trọng tâm gồm: Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội. Các nhiệm vụ thuộc chương trình nêu trên phân thành 2 nhóm: Nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ KH-CN thuộc chương trình; công tác tổ chức, phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Sáng tạo trẻ thành phố Nha Trang, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, tổ chức tập huấn phổ biến ứng dụng các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, thu hoạch và bảo quản để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố; Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối ở nước ngoài, thực hiện tuyên truyền pháp luật về quy định, thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, những thành tựu của hoạt động sở hữu trí tuệ trên Trang thông tin điện tử thành phố và các phương tiện thông tin khác, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trên địa bàn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Ngày 26/6/2024 Thành đoàn Nha Trang tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp và sáng tạo trẻ với sự tham gia của các đại biểu quốc tế là thành viên đến từ Hội đồng Diễn đàn Toàn cầu Boston
Ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp và Sáng tạo trẻ Nha Trang
Hội Nông dân thành phố tổ chức lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số vào nông nghiệp cho hội viên trên địa bàn năm 2023
Các sản phẩm tiêu biểu của thành phố tham gia Triển lãm sản phẩm OCOP
Đồng thời các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố thường xuyên chủ trì và phối hợp với Sở ban ngành của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức, chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách về hỗ trợ khuyến công cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khởi nghiệp../.