Từ năm 2022, tháng 10 hàng năm được chọn là Tháng tiêu dùng số. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10). Tháng tiêu dùng số năm nay diễn ra với nhiều nội dung thiết thực nhằm khuyến khích, tuyên truyền đến mọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tích cực sử dụng, áp dụng việc thanh toán số trong các giao dịch tài chính.
Ngày càng phổ biến
Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt thay cho sử dụng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Số lượng người có tài khoản mobile banking hay các loại ví điện tử, ứng dụng thanh toán di động trực tuyến… ngày càng nhiều. Việc tiêu dùng số có thể dễ dàng thực hiện ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ khoảng thời gian nào mọi người đều có thể thanh toán được hầu hết các loại giao dịch một cách nhanh chóng. “Bây giờ đi chợ, siêu thị, thanh toán các đơn hàng được giao đến nhà hay thậm chí đi uống cà phê, tôi đều thực hiện chuyển khoản. Tiền mặt không còn là cách thức chính để thanh toán hàng hóa, dịch vụ nữa”, chị Lê Thị Ngọc Hoa (đường Lương Định Của, TP. Nha Trang) cho biết.
Khách hàng thực hiện thanh toán chuyển khoản trực tuyến khi mua sản phẩm.
Với các doanh nghiệp, việc đáp ứng các điều kiện cho tiêu dùng số đã trở thành yêu cầu tất yếu trong kinh doanh. “Sản phẩm chính của công ty chúng tôi là xoài sấy, bánh xoài, trà xoài và dịch vụ du lịch trải nghiệm vườn xoài. Trong hoạt động giao dịch với đối tác, khách hàng của công ty, việc sử dụng các hình thức thanh toán số chiếm 90 - 95%. Việc thanh toán số mang đến nhiều tiện lợi trong giao dịch, giúp doanh nghiệp không mất thời gian, nhân sự cho việc bảo quản lượng tiền mặt. Đặc biệt, việc tiêu dùng số đã góp phần thúc đẩy hoạt động bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội và những hợp đồng mua hàng có khoảng cách địa lý xa xôi”, ông Đặng Thế Truyền - Giám đốc Công ty TNHH Cam Lâm Online cho biết.
Bà Phạm Thị Mỹ Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thảo Group (TP. Nha Trang) chia sẻ, hoạt động chính của công ty là kinh doanh, nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Sản phẩm của công ty được phân phối bằng hình thức online tương đối lớn nên đơn vị sử dụng nhiều hình thức thanh toán trực tuyến thông qua các nền tảng bán hàng thương mại điện tử, ứng dụng của ngân hàng, công ty viễn thông… Việc thanh toán trực tuyến của công ty chiếm 70%; điều này vừa nhanh chóng, vừa thuận tiện trong giao dịch.
Khuyến khích tiêu dùng số
Theo ông Nguyễn Hoàng Bảo Duy - Phó Giám đốc Viettel Khánh Hòa, để phục vụ cho nhu cầu thanh toán số, Viettel có hệ sinh thái Viettel Money. Thời gian qua, hệ sinh thái này đã triển khai ở một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, như: Mô hình chợ 4.0 đến tận các chợ cấp xã để giúp tiểu thương và người đi chợ tiếp cận với loại hình thanh toán hiện đại, hạn chế việc sử dụng tiền mặt; thanh toán các khoản kinh phí đóng cho nhà trường, hiện có 238 trường ở các cấp học trên địa bàn tỉnh sử dụng ứng dụng này...
Thông tin từ Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, mục đích phát động Tháng tiêu dùng số năm nay nhằm kêu gọi chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số. Người dân thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Hưởng ứng Tháng tiêu dùng số, trên Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia (https://dx.gov.vn) đã có hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực: Thanh toán số; viễn thông; thương mại điện tử; giao thông; truyền hình số; sách điện tử; nền tảng số; an toàn thông tin mạng; chữ ký số; tên miền quốc gia… đăng ký tham gia triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực thực hiện các hình thức tiêu dùng số.
Tại Khánh Hòa, để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể trong trường học, cơ sở y tế. Đến nay, có 100% trường học, cơ sở y tế trực thuộc tỉnh triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã hỗ trợ tạo mã QR pay để thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn tỉnh. Việc tiêu dùng số là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số và đây cũng là minh chứng cho thấy rõ hiệu quả của việc thực hiện chuyển đổi số hiện nay.
Ông ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng các hệ thống thông tin, nền tảng chuyển đổi số quan trọng và đưa vào triển khai đồng bộ trên diện rộng. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập đến các thôn, tổ dân phố. Tỉnh cũng đang xem xét, phê duyệt nhiều đề án, kế hoạch quan trọng cho giai đoạn tiếp theo về triển khai thí điểm đô thị thông minh, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số…
Theo baokhanhoa.vn
Xem bản tin gốc Báo Khánh Hòa tại đây