Trong thực hiện cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay, cán bộ, công chức là đội ngũ đã được giao những nhiệm vụ, chức trách hết sức rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, cán bộ, công chức không phải là chủ thể duy nhất của hoạt động cải cách hành chính nhà nước. Đồng hành cùng với cán bộ, công chức còn có người dân.
Người dân tham gia với vai trò là chủ thể của quá trình cải cách hành chính nhà nước thể hiện trước hết ở sự đồng thuận rộng rãi trong toàn dân về việc điều phối đời sống kinh tế - xã hội quan liêu gắn với giai đoạn kinh tế kế hoạch tập trung của nhà nước trước đây phải nhường đường cho điều phối của thị trường. Bên cạnh đó, người dân cũng đã nhận ra những mặt tiêu cực đến từ tự do hóa, từ việc bãi bỏ những hạn chế quan liêu và tạo ra các điều kiện cho tự do mua, bán các hàng hóa và di chuyển của các nguồn lực. Điều đó cho thấy vai trò của người dân đối với việc thiết lập các khung khổ thể chế cho một nền kinh tế thị trường với những thay đổi phải có ở các công cụ hành chính. Về nguyên tắc, các hệ thống đều cần đến kỷ luật, việc các công cụ hành chính đã áp đặt các kỷ luật của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cho một nền kinh tế mới đã cản trở sự phát triển của đất nước. Chính người dân thông qua các giao dịch kinh tế, thông qua các vướng mắc về sở hữu đã chỉ ra rằng: một nền kinh tế thị trường cần kỷ luật thị trường, bao gồm nhiều yếu tố, trong đó: (1) thay cho các chỉ thị đến từ chính quyền, các điều khoản được thỏa thuận giữa người mua và người bán, những người dàn xếp một hợp đồng và thực hiện các hợp đồng phải được thực thi bằng các công cụ pháp lý và các áp lực đạo đức; (2) cần đến kỷ luật tài chính, có nghĩa là người mua phải thanh toán hóa đơn của họ, những người nợ phải trả các món vay của họ và các cá nhân và doanh nghiệp phải đóng các khoản thuế; (3) thể chế kinh tế mới không được phép dung thứ “ràng buộc ngân sách mềm” vì nó làm xói mòn tính hiệu quả, làm yếu phản ứng của các nhà quản lý doanh nghiệp đối với giá cả và chi phí, tạo ra cầu tùy tiện và nhiều tác động có hại khác. Các doanh nghiệp sinh lợi tiếp tục phát triển trong khi các hãng không sinh lợi bị buộc phải rút khỏi thị trường; (4) để thỏa mãn các đòi hỏi vừa được nhắc tới, cần phải tạo ra một cơ sở hạ tầng pháp lý tương thích với một nền kinh tế thị trường. Đồng thời, cần đề cao tính độc lập của tòa án và phát triển nền kinh tế thị trường gắn với việc thiết lập một nhà nước pháp quyền.
Trong điều kiện các quyền sở hữu cần được xác nhận, chứng thực của cơ quan hành chính nhà nước và các quan hệ kinh tế mới phát sinh tăng nhanh chóng đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đứng ra đảm bảo, phải cưỡng bức việc tôn trọng thoả thuận riêng. Ngay cả triết lý chính trị mong muốn giảm vai trò của nhà nước xuống tối thiểu cũng không nghi ngờ rằng nhà nước phải đảm bảo việc thực thi thoả thuận riêng. Đây cũng là nhiệm vụ tối thiểu của một nhà nước nhưng ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế vừa qua, việc thực hiện nhiệm vụ này còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót. Thực tế cho thấy, người dân đã lên tiếng mạnh mẽ khi nhà nước dùng các công cụ hành chính có tính áp đặt, vi phạm kỷ luật của nền kinh tế thị trường.
Với tư cách là chủ thể của các quan hệ kinh tế - xã hội, người dân là chủ thể của quá trình cải cách, vì họ mới là người phát hiện sớm nhất lỗ hổng của luật. Về lý thuyết có thể thấy, kể cả khi có những nỗ lực và sự thận trọng lớn nhất, các văn bản pháp luật vẫn có các lỗ hổng và nhà lập pháp càng ít kinh nghiệm hay vì nóng vội (là tình trạng đã từng xảy ra trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam), thì pháp luật càng có khoảng cách lớn về sự hoàn hảo. Góp phần bịt các lỗ hổng và thay đổi các quyết định quản lý hành chính cứng nhắc, sai lầm, vai trò thuộc về người dân. Thông qua tác động này, người dân thúc đẩy xác lập cơ chế xã hội hợp pháp - pháp lý – chuyên nghiệp và tạo thành môi trường cho việc thực hiện các giao dịch của họ; theo đó sẽ là một cơ chế đạo đức – liên đới dựa vào tính trung thực và lòng tin lẫn nhau của các bên tham gia (do sự đảm bảo từ phía quản lý nhà nước) và loại bỏ cơ chế bạo lực trực tiếp, ngoài pháp luật. Chỉ có như vậy, hệ thống cán bộ, công chức mới tiến sát yêu cầu: công chức có năng lực phục vụ công, được lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và quyền lợi chung điều khiển, đồng thời loại bỏ những ứng xử của quan chức quản lý bởi lợi ích riêng từ bộ máy quan liêu (hay của các nhóm lợi ích nào đó) do yếu tố lợi ích vật chất hình thành những động cơ cá nhân và một phần trong số họ không cưỡng lại được những cám dỗ tham nhũng. Cùng với đó, người dân và các tổ chức của họ tham gia vào các hoạt động cải cách, vì khi là đối tượng quản lý của bộ máy hành chính nhà nước, họ nhìn thấy rõ là cần tổ chức các thể chế nhà nước và xã hội sao cho có thể tính được một cách thực tiễn những tiêu cực trong ứng xử của các nhà chính trị và các nhà quản lý, đồng nghĩa với việc phải xây dựng các định chế phù hợp để bảo vệ công dân và các tổ chức của họ và thúc đẩy mạnh mẽ đối với các tổ chức chưa sẵn sàng sửa đổi quy định chức năng của mình.
Thực tế trong giai đoạn cải cách vừa qua, những tác động của người dân từ việc rất nhỏ như góp ý cho bộ phận một cửa ở các thành phố lớn đã làm thay đổi cung cách phục vụ người dân của các cơ quan hành chính nhà nước; hoạt động đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành ngày càng được thực hiện thực chất hơn; Chính phủ phải khẳng định các cam kết về cải cách hành chính trong hội nghị với các các nhà tài trợ cho Việt Nam, tại các diễn đàn quan hệ đối tác cải cách hành chính. Hệ thống Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm là tập hợp “tiếng nói” của doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về môi trường kinh doanh, thể hiện những cố gắng và điều chỉnh của chính quyền địa phương trong chất lượng điều hành, cắt giảm chi phí, cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.v.v...
Với vai trò chủ thể của người dân, các tranh luận về việc công cuộc cải cách hành chính tiến theo hướng nào, từ dưới lên hay từ trên xuống sẽ là không cần thiết; hành động của người dân đưa đến việc mọi người đều hiểu được vấn đề cải cách phải được thực hiện như thế nào, hay nói cách khác người dân đã góp phần phân định rõ trước các hành động có trình tự và các bước tiếp theo của cải cách hành chính. Tuy nhiên điều này không có nghĩa những đề xuất "từ dưới" lên hay "từ trên" xuống không tồn tại mà vấn đề ở chỗ người dân tạo ra các sức ép buộc nhà nước dẹp các rào cản quan liêu đối với các đề xuất có triển vọng và tạo ra các khung khổ pháp lý để thúc đẩy những đề xuất tốt. Bên cạnh đó, không phải tất cả các đề xuất, các sáng kiến cải cách tốt đều có thể áp dụng phổ quát trên toàn bộ cơ cấu bộ máy và trở thành công cụ phục vụ một cách hoàn bị cho mọi công dân. Chúng ta có thể thấy từ thực tiễn tổ chức thực hiện cơ chế hành chính một cửa và một cửa liên thông trong thời gian qua. Sau khi đưa ra một mô hình ban đầu, chuyển áp dụng xuống địa phương trong thời gian đầu đã gặp rất nhiều vướng mắc, nhiều nơi không hề giảm được thời gian chờ đợi của người dân, công việc của công chức trong công sở ách tắc. Sau đó, đã phải có rất nhiều hình thức triển khai mới, đa dạng và cụ thể đối với từng cấp chính quyền và địa phương thì mô hình một cửa mới dần đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Người dân lúc này chính là chủ thể tham gia vào quá trình thử và sai để hoàn thiện các sáng kiến cải cách, bất kể sáng kiến đó được hình thành như thế nào.
Các cuộc cải cách một cách sâu sắc là bức thiết, nhưng không quá gấp gáp, mục tiêu và thước đo tính hiệu quả của cải cách cũng khác với một cuộc cách mạng, do đó công việc chuẩn bị và thực hiện các cuộc cải cách phải được thực hiện một cách kiên nhẫn, không hấp tấp. Trong tiến trình cải cách hành chính, Chính phủ luôn đứng trước nhiều sức ép phải đẩy nhanh tốc độ cải cách. Thực tế những áp lực này đã dẫn đến một số rối loạn và những hành động chưa được kiểm soát thật tốt từ phía bộ máy làm chính sách. Điều này thể hiện qua chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong thời gian vừa qua, cụ thể là các bộ, ngành, các tổ chức xã hội xây dựng, trình rất nhiều dự án luật và thuyết phục để được thông qua dù nhiều vấn đề xã hội chưa đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh; nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác được xây dựng “quá tầm” nhưng đồng thời lại thiếu hệ thống, thiếu sự tập trung, thống nhất và cụ thể.v.v... cuối cùng đưa đến tính dự báo, tính tiên liệu thấp, không đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Vai trò chủ thể của người dân ở đây chính là ở số lớn của họ, là những người thực hiện việc “cân bằng áp” trước những sức ép từ phía các tổ chức quốc tế, các nhóm lợi ích, đồng thời là phanh hãm trước những hoạt động chưa được kiểm soát thật tốt của cơ quan công quyền thông qua hoạt động dân chủ cơ sở, qua các diễn đàn, qua những phản biện được cân nhắc và có tính xây dựng.
Như vậy, cần phải thấy rằng cải cách hành chính nhà nước không phải là một nhiệm vụ, một quá trình của riêng đội ngũ cán bộ, công chức mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, những nỗ lực mang tính chủ động của mỗi người dân sẽ là nhân tố đảm bảo cho sự hoạch định chính sách đúng hướng, huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả các nội dung, mục tiêu của Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước, qua đó làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội cũng như vị thế của chính mỗi con người.
Xem bài viết gốc tại đây