Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ tại Công văn số 54/ĐNTB-DB ngày 26/01/2024 về nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa khô năm 2024 tỉnh Khánh Hòa; hiện nay, ENSO đang ở pha ElNino với chỉ số SSTA (chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển) khu vực Nino 3.4 đạt 1,90C. Theo các kết quả dự báo về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy các tháng mùa khô (01-4/2024) ENSO duy trì trạng thái ElNino với xác suất 90%, sau đó giảm dần và xu hướng chuyển dần sang pha trung tính từ tháng 5 -7 với xác suất từ 50 - 70%. Đến tháng 8/2024, ENSO chuyển sang pha LaNina xác suất 55%.
Dự báo tình trạng nắng nóng khả năng xảy ra sớm so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ, nắng nóng cục bộ khả năng xuất hiện từ cuối tháng 3; từ tháng 5 trở đi nắng nóng xuất hiện diện rộng, gay gắt; Nhiệt độ toàn mùa ở mức cao hơn so với TBNN cùng kỳ từ 0,7 - 1,20C; Tổng lượng mưa từ tháng 01 đến tháng 4 ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10 - 30%. Trong mùa khô năm 2024, tình trạng thiếu nước xảy ra cục bộ ở một số địa phương nằm ngoài vùng cấp nước, không có công trình thủy lợi.
Hình ảnh tình trạng hạn hán do xâm nhập mặn (Nguồn: ảnh inetrnet)
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2024, UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 1366/UBND-KT ngày 23/02/2023 về việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thành phố thực hiện các nội dung cụ thể như:
1. Phòng Kinh tế
- Theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước, điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
- Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi Khánh Hòa để chủ động xây dựng Phương án phòng chống hạn hán, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp.
- Tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tổng hợp tham mưu UBND thành phố tình hình hạn hán, xâm nhập mặn báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
2. Phòng Tài nguyên và Môi trường:
Theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, thông tin về khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch:
Chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của các địa phương, đề xuất, báo cáo UBND thành phố Nha Trang theo quy định.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao:
Tăng thời lượng bản tin, phóng sự trên Trang thông tin điện tử thành phố, hệ thống truyền thanh để thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
5. UBND các xã, phường
- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
- Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.
- UBND các xã nông nghiệp: Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.
6. Đề nghị Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi Khánh Hòa
- Thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa trên cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phải bảo đảm an toàn công trình.
- Chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp và có kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa lấy nước, trạm bơm tưới theo phân cấp quản lý.
- Phối hợp với các địa phương xây dựng phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn năm 2024; xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý.
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.
* Đồng thời để thực hiện phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn hiệu quả, rất cần sự chủ động thực hiện của Nhân dân để chung tay không để xảy ra thiếu nước trên địa bàn như:
- Thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
- Nắm bắt diễn biến thời tiết, dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
- Thực hiện tiết kiệm điện, nước tại các cơ quan, công sở, hộ gia đình, tại các cơ sở kinh doanh, thương mại và dịch vụ, tại doanh nghiệp sản xuất…; .
- Học hỏi và áp dụng kinh nghiệm tưới tiên tiến, kỹ thuật thâm canh lúa sử dụng tiết kiệm nước để đối phó với tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài.
Các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo cùng với sự đồng lòng thực hiện của Nhân dân trên địa bàn sẽ góp phần vào việc thực hiện thành công phong trào tiết kiệm nước, ứng phó với nắng nóng hạn hán và xâm nhập mặn của toàn xã hội./.