Luật Đa dạng sinh học định nghĩa “Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên”. Đa dạng sinh học là yếu tố quyết định tính ổn định và là cơ sở sinh tồn của sự sống cho Trái đất và của các hệ sinh thái tự nhiên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của đa dạng sinh học và thực hiện Kế hoạch số 10283/KH-UBND ngày 25/10/2022 của UBND tỉnh Khánh Hoà về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, UBND thành phố Nha Trang đã ban hành Kế hoạch số 9542/KH-UBND ngày 22/12/2022 về thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Nha Trang với mục tiêu trọng tâm là:
- Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nâng cao hiệu quả quản lý bảo tồn tính đa dạng sinh học cao tại các khu bảo tồn thiên nhiên; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố đạt trên 14% vào năm 2030; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái.
- Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư.
Kế hoạch xác định hai nhiệm vụ ưu tiên thực hiện là:
Một là, “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học”. Đây là nhiệm vụ yêu cầu thực hiện thường xuyên, liên tục, hàng năm. Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì phối hợp với các phòng, ban có liên quan tổ chức thực hiện.
Hai là, “Khảo sát, xây dựng phương án phục hồi, bảo vệ rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và phục hồi thử nghiệm ở một số điểm lựa chọn ở Vịnh Nha Trang”. Ban Quản lý Vịnh Nha Trang được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2022-2030.
Poster tuyên truyền về Đa dạng sinh học (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu Kế hoạch đề ra cần thực hiện tổng hợp các giải pháp bao gồm:
- Nâng cao năng lực quản lý, tăng cường thực thi pháp luật về đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đa dạng sinh học của cán bộ quản lý môi trường, cán bộ quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, tăng cường năng lực phối hợp trong thực thi pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học đối với lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường, biên phòng, công an,… thiết lập đường dây nóng xử lý các vụ việc vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học, động thực vật hoang dã trên địa bàn.
- Nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào nội dung bảo vệ môi trường trong chương trình giáo dục các cấp; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của các tổ chức, cá nhân; nghiên cứu cơ chế và khuyến khích các tổ chức, cá nhân ký cam kết tự nguyện về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với cơ quan quản lý tại địa phương.
- Đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong chính sách phát triển kinh tế -xã hội, các dự án đầu tư công. Lồng ghép việc thực hiện các nội dung, yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình triển khai các Đề án, Kế hoạch của thành phố.
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, sử dụng bền vững loài, nguồn gen.
- Bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học. Cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án ưu tiên của Kế hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công; nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học. Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Phòng Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các phòng, ban và UBND các xã, phường và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt tại các khu vực bảo tồn, các lưu vực sông và vùng ven biển trọng yếu.
Các cơ quan, đơn vị: Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, Công an thành phố Nha Trang, Hạt Kiểm lâm Nha Trang, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, UBND các xã, phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nha Trang, các tổ chức hội, đoàn thể thuộc thành phố có trách nhiệm phối hợp thực hiện Kế hoạch theo chức năng, lĩnh vực phụ trách./.