Ngày 30/01/2024, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2024 trên địa bàn thành phố Nha Trang với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các quy định về PCTNTC; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích trong đơn vị; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTNTC theo quy định.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNTC: Tùy theo tình hình thực tiễn, lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp, thiết thực; khuyến khích việc sáng tạo trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tác dụng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
3. Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về PCTNTC: Thực hiện việc kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về PCTNTC phải tuân thủ về trình tự, thủ tục, nội dung theo quy định.
4. Công tác kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PCTNTC: Thực hiện đầy đủ nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật PCTNTC theo quy định, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của UBND thành phố trong quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật.
5. Công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTNTC: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ thể chế, pháp luật, nhấtlà hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý các phản ánh, báo cáo, tố giác về tham nhũng, tiêu cực. Rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực như: Tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý đất đai, tài nguyên, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá... và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất.
6. Công tác phòng ngừa tham nhũng: nghiêm túc thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng các nội dung về công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiểm soát xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác; cải cách hành chính, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, kê khai tài sản, thu nhập…
7. Thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu: Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực; kịp thời chuyển cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt việc bảo vệ, khen thưởng đối với người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực.
8. Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng: Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật về PCTNTC trong hoạt động của đơn vị, địa phương, trong đó phải có ít nhất 04 nội dung: Công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý; kiểm soát xung đột lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý kịp thời vụ việc tham nhũng, tiêu cực, kịp thời chuyển cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; triệt để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTNTC. Bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTNTC.
9. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTNTC: phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTNTC; xem xét, xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp và người dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến có nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý; phối hợp và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông tham gia giám sát việc thực hiện công tác PCTNTC theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Kế hoạch của UBND thành phố và thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch công tác PCTNTC năm 2024 tại cơ quan, đơn vị, địa phương; báo cáo kết quả công tác PCTNTC định kỳ theo đúng quy định, gửi về Thanh tra thành phố để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh./.