Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những điểm mới mang tính đột phá, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.
Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, thay vào đó là thủ tục cấp Giấy phép môi trường.
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật Bảo vệ môi trường), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08), Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Thông tư số 02), thủ tục cấp Giấy phép môi trường đối với các dự án, cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Nha Trang được quy định như sau:
1. Đối tượng cấp Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường, gồm:
- Dự án đầu tư nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại khi đi vào vận hành chính thức.
- Dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án đầu tư nhóm III.
Trong đó, dự án đầu tư nhóm III được cụ thể hóa tại Phụ lục V Nghị định số 08 như sau:
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất nhỏ quy định tại Cột 5 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 08 không có yếu tố nhạy cảm về môi trường. Trong đó:
+ Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gồm: Làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; Sản xuất thủy tinh; Sản xuất gang, thép, luyện kim; Sản xuất bột giấy, sản xuất giấy; Sản xuất chất vô cơ cơ bản, phân bón hóa học, hoá chất bảo vệ thực vật; Sản xuất vải sợi, dệt, may; Sản xuất da; Khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên; Lọc, hóa dầu; Nhiệt điện than; Sản xuất than cốc; Khí hóa than; Tái chế, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; Mạ có công đoạn làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; Sản xuất pin, ắc quy; Sản xuất xi măng; Chế biến mủ cao su; Sản xuất tinh bột sắn, bột ngọt, bia, nước giải khát có gas, cồn công nghiệp; Sản xuất đường từ mía; Chế biến thủy, hải sản; Giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp; Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp; Sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử.
+ Dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường được quy định như sau: Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong nội thành, nội thị của đô thị theo quy định pháp luật về phân loại đô thị; Dự án có xả nước thải vào nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng và di sản thiên nhiên khác; Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của di tích lịch sử - văn hóa; danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; dự án có yêu cầu chuyển đối mục đích sử dụng đát, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư và pháp luật về xây dựng. - Dự án nhóm C được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công và không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý hoặc có phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải được quy định như sau:
+ Nước thải, bụi, khí thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra ngoài môi trường hoặc được xử lý bằng các công trình thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định của pháp luật và quy định, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương (nước thải, bụi, khí thải (nếu có) nếu không xử lý thì vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định); trường hợp dự án nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc nằm trong cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải thì phải xử lý theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó (nước thải, bụi, khí thải (nếu có) nếu không xử lý thì vượt tiêu chuẩn quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp).
+ Có phát sinh chất thải nguy hại trong quá trình vận hành tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên.
2. Thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường quy định tại Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 29 Nghị định số 08
- Đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng thực hiện Đánh giá tác động môi trường: Chủ dự án tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định nhưng trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản: phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư dự án, Giấy phép khai thác khoáng sản... Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có Giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh Giấy phép xây dựng.
- Đối với dự án đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực: Chủ dự án tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường để đảm bảo thời điểm phải có Giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm nhưng chậm nhất trước 30 ngày, tính đến thời điểm phải có Giấy phép môi trường.
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực: Phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành. Trường hợp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước, giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi,... (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như Giấy phép môi trường đến thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc tiếp tục được sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép Môi trường thành phần không xác định thời hạn.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, được quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường, Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 08, gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép môi trường (Phụ lục XIII Nghị định số 08)
- Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường (dự án nhóm III: Phụ lục XI Nghị định số 08; cơ sở đang hoạt động có tiêu chí môi trường tương đương dự án nhóm III: Phụ lục XII Nghị định số 08).
- Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
4. Địa điểm nộp hồ sơ: khoản 8 điều 29 Nghị định số 08
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố Nha Trang.
5. Thời hạn giải quyết hồ sơ: điểm b, khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường, khoản 8 Điều 29 nghị định số 08
- 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với các trường hợp:
+ Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.
+ Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau đây: không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ theo quy định tại Nghị định số 08.
- 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các trường hợp còn lại.
Việc lập hồ sơ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố Nha Trang không chỉ có ý nghĩa về tính pháp lý, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nơi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cơ sở đó đề ra các phương án, kế hoạch cụ thể, chi tiết bảo vệ môi trường trước và trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ./.