Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (European Community-EC) cảnh báo Thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam bởi chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt là chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC.
Theo "Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam" do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) công bố: Việc nhận thẻ vàng IUU của EC khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So với kết quả xuất khẩu 2017, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài vào năm 2020, khi con số xuất khẩu giảm 5,7% so với năm 2019. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,3 tỷ USD - đứng thứ 4 trong số 05 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.
Từ năm 2017, các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.Tuy nhiên, đến nay EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam. Tháng 11/2019, EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: (1) Khung pháp lý; (2) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; (3) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; (4) Thực thi pháp luật.
Ngày 13/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".
Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các bất cập, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2023.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ cho các bộ, ngành và các địa phương liên quan từ nay đến tháng 5/2023 rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cùng với đó, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý; chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố Nha Trang đã ban hành Kế hoạch số 1039/KH-UBND ngày 21/02/2023 về việc triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn thành phố Nha Trang năm 2023, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND các xã, phường biển, các cơ quan thuộc UBND thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện với mục tiêu: Nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU và từng bước kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá; Nâng cao nhận thức trách nhiệm của cơ quan quản lý, ngư dân trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác IUU của tàu cá trên địa bàn thành phố Nha Trang. Đồng thời, đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định quốc tế, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Vậy IUU là gì, những ảnh hưởng của thẻ vàng đến việc xuất khẩu thủy sản của một quốc gia và những quy định của Việt Nam về chống khai thác IUU như thế nào?
1. Khái niệm và những quy định của Ủy ban châu Âu về IUU
IUU là viết tắt của Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing nghĩa là hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Đây là Quy định được triển khai từ năm 2007 khi Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Văn bản đề xuất đầu tiên của Quy định này được thông qua vào tháng 10/2007. Ngày 24/6/2008, văn bản đã đạt được sự đồng thuận trong Liên minh châu Âu (EU), sau đó được EC chính thức thông qua bằng Quyết định số 1005/2008, ngày 29/9/2008. Quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, qua đó chính thức thiết lập một hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm hải sản bị khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vào thị trường châu Âu.
Trên cơ sở các quy định của EC, có thể hiểu khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU) đề cập đến các hoạt động khai thác không tuân thủ các biện pháp bảo tồn hoặc quản lý thủy sản của khu vực, quốc gia hay quốc tế cụ thể:
* Khai thác bất hợp pháp: Bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm luật pháp quốc gia hay quốc tế (có thể là: khai thác không có giấy phép, báo cáo sản lượng thấp hơn thực tế, đánh bắt cá nhỏ hơn kích cỡ cho phép, đánh bắt ở vùng cấm sử dụng công cụ đánh bắt đã bị cấm, trung chuyển thủy sản bất hợp pháp…) hoặc vi phạm các quy định khác của luật pháp trong nước và khu vực, quốc tế.
* Khai thác không theo quy định: Bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực biển mà ở đó không áp dụng các biện pháp quản lý hay khu bảo tồn quốc gia, quốc tế. Khai thác không theo quy định không phải là khai thác bất hợp pháp mà có thể xảy ra đối với một nghề không được quản lý trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước hoặc ở trong vùng biển chung.
* Khai thác không báo cáo: Bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản không được báo cáo chính xác cho các cơ quan quản lý. Khai thác không báo cáo thường liên quan đến việc thu thập, cung cấp dữ liệu kém hoặc quản lý nghề cá yếu. Thiếu sót trong báo cáo cũng có thể là sự che giấu hoạt động bất hợp pháp.
Như vậy, không vi phạm các quy định về khai thác IUU là một yêu cầu lớn mà thị trường EU đòi hỏi đối với các sản phẩm thủy sản được phép cung cấp cho thị trường này. Đồng thời, ngược trở lại, là một khó khăn rất lớn đối với các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển trong công tác quản lý nghề cá, nếu muốn xâm nhập thị trường châu Âu.
12 hành vi khai thác vi phạm quy định IUU của Uỷ ban Châu Âu gồm:
(1) Đánh bắt mà không có giấy phép hợp lệ, không được quốc gia tàu treo cờ hay quốc gia ven biển có liên quan cấp phép hay cho phép.
(2) Không hoàn thành nghĩa vụ lưu và báo cáo dữ liệu liên quan, bao gồm dữ liệu được truyền bởi hệ thống giám sát tàu qua vệ tinh, hoặc thông báo trước theo quy định.
(3) Đánh bắt trong khu vực khép kín, vào thời điểm mùa vụ đã kết thúc, không được cấp hoặc sau thời hạn được cấp hạn ngạch, đánh bắt quá độ sâu cho phép.
(4) Đánh bắt loài được tạm dừng đánh bắt hoặc loài cấm đánh bắt.
(5) Sử dụng công cụ đánh bắt bị cấm hoặc không đúng quy định.
(6) Làm giả hay che dấu dấu vết, danh tính hay đăng kiểm.
(7) Che dấu, giả mạo hay hủy chứng cứ liên quan đến một công tác điều tra.
(8) Cản trở công việc của lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra sự tuân thủ đối với các biện pháp bảo tồn và quản lý hay cản trở công việc của quan sát viên thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
(9) Đưa lên khoang, vận chuyển cá nhỏ quá cỡ, trái với điều luật hiện đang có hiệu lực.
(10) Vận chuyển hoặc cùng tham gia hoạt động đánh bắt, hỗ trợ hay tiếp ứng cho các tàu đánh bắt đã được xác định có thực hiện hành vi khai thác IUU, đặc biệt là các tàu đã bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của EU hoặc của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
(11) Thực hiện hoạt động đánh bắt trong khu vực quản lý của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực theo cách thức không phù hợp hoặc trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức; treo cờ của quốc gia không phải là thành viên của tổ chức; không hợp tác với tổ chức theo đúng quy định.
(12) Tàu không mang quốc tịch và do vậy là tàu không có quốc gia chủ quyền theo Luật Quốc tế.
2. Thẻ vàng và những hệ lụy của Thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản
Với quy định có hiệu lực từ năm 2010, hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực có quy định chống khai thác IUU tích cực nhất trong các khu vực nhập khẩu chính trên thế giới. Trong hơn 10 năm qua, quy định của EC yêu cầu tất cả các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào châu Âu phảicó chứng nhận khai thác, có thông tin về các loài, vị trí khai thác, tàu cá, ngày khai thác, và bất kỳ hoạt động trung chuyển nào.
Trong trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là khai thác IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu. Việc từ chối được thể hiện ở hai mức độ, với hai hình thức “Thẻ vàng” và “Thẻ đỏ”:
(*) Thẻ vàng sẽ xảy ra trong trường hợp: Nếu Liên minh châu Âu xác định một nước xuất khẩu thủy sản sang EU không có các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo việc khai thác là hợp pháp, được khai báo và theo quy định thì quốc gia đó sẽ bị cảnh cáo chính thức - nhận “Thẻ vàng” để cải thiện.
- Quốc gia nhận cảnh báo Thẻ vàng sẽ được EU cho phép có một khoảng thời gian để thực thi các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết tình trạng khai thác IUU.
- Kết thúc thời gian cho phép, nếu đáp ứng được các điều kiện do
phía EU đưa ra, quốc gia nhận cảnh báo Thẻ vàng sẽ được xóa cảnh báo trước đó - nhận“Thẻ xanh”, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.
(*) Thẻ đỏ xảy ra trong trường hợp: Kể từ khi nhận cảnh báo Thẻ vàng, nếu quốc gia đó không khắc phục các thiếu sót, chưa có đủ sự nỗ lực trong việc quản lý nghề cá và ngăn chặn khai thác IUU thì sẽ phải đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác sang thị trường EU - nhận “Thẻ đỏ”. Có nghĩa là toàn bộ thị trường châu Âu sẽ từ chối việc nhập khẩu thủy sản từ quốc gia vi phạm.
* Các hệ lụy đối với một quốc gia khi nhận Thẻ vàng của EU
Đối với xuất khẩu thủy sản của một quốc gia, có thể xảy ra ít nhất 5 hệ lụy nếu như bị nhận Thẻ vàng của EU:
(1) Xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ giảm do khi quốc gia xuất khẩu bị nhận thẻ vàng, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng.
(2) Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU. Điều này làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó.
(3) Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU phạt Thẻ vàng (ví dụ thị trường Mỹ, quốc gia áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ ngày 01/01/2018).
(4) Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị Thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Việc kiểm tra sẽ khiến thời gian vận chuyển mất thêm thời gian, thậm chí tới 3-4 tuần/container. Chi phí cho kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.
(5) Sau 6 tháng, EC sẽ đánh giá về việc triển khai các quy định về IUU của quốc gia đó, nếu đã triển khai đầy đủ các quy định thì được dỡ bỏ Thẻ vàng, nếu việc triển khai có tiến bộ thì EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu, nếu các khuyến nghị không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả sẽ bị áp dụng Thẻ đỏ (cấm xuất khẩu hải sản vào EU).
Đây đồng thời cũng là 05 vấn đề mà Việt Nam đã, đang phải đối mặt kể từ khi phải nhận Thẻ vàng từ EU.
3. Quy định của Việt Nam về hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp
Ngay sau khi EC cảnh báo Thẻ vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhất là 28 địa phương ven biển quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các khuyến nghị từ EC về chống khai thác IUU. Ngay trong năm 2017, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản phù hợp với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của EC.
Luật Thủy sản được Quốc hội ban hành ngày 21/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
Trong đó quy định 14 hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp, cụ thể như sau:
(1) Khai thác thủy sản không có giấy phép.
(2) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm.
(3) Khai thác thủy sản trái phép loài thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
(4) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
(5) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép.
(6) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
(7) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
(8) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng.
(9) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
(10) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
(11) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp.
(12) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định.
(13) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
(14) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Để có thể gỡ Thẻ vàng trong đợt thanh tra thứ 4 của EC sẽ diễn ra vào tháng 6/2023, điều này không chỉ là quyết tâm hành động và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương mà còn phụ thuộc vào chính ngư dân - người trực tiếp khai thác hàng ngày trên biển. Hãy hành động vì một nghề cá phát triển bền vững./.