Xuất khẩu lao động là nhu cầu chính đáng của người dân nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Đã có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ vào người thân xuất khẩu lao động; nhưng cũng có không ít người phải vỡ mộng khi đi lao động ở nước ngoài.
Gần đây, với việc một số thị trường lao động nước ngoài mở cửa có tuyển lao động Việt Nam nên nhu cầu người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng. Thực tế, vẫn còn nhiều người dân tự liên hệ, làm thủ tục đi nước ngoài làm việc qua môi giới mà không giao dịch trực tiếp với các công ty hay trung tâm giới thiệu việc làm được phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu, thủ tục tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tìm nhiều hình thức, thủ đoạn để lừa đảo người lao động.
Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, ngành chức năng mới phát hiện được. Các đối tượng này thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo…Thậm chí, họ còn có cả trang web quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. Các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa những người lao động.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngày 10/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó quy định chặt chẽ về điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số thị trường, ngành, nghề, công việc; mức ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp; mức trần tiền ký quỹ, quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động; điều kiện, thủ tục đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động giao kết sau khi xuất cảnh.
Vì vậy, để tránh các rủi ro và hạn chế việc bị các đối tượng môi giới lừa đảo, UBND thành phố Nha Trang đề nghị người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin, thủ tục về xuất khẩu lao động trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Khi có nhu cầu xuất khẩu lao động, phải lựa chọn đúng địa chỉ, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, doanh nghiệp đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Danh sách các doanh nghiệp có Giấy phép được đăng tải công khai trên trang Thông tin Điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, địa chỉ: http://www.dolab.gov.vn/. Người lao động tuyệt đối không làm việc qua những người tự xưng là môi giới về xuất khẩu lao động./.
Ngọc Trâm
×
Thành công! Cám ơn bạn!!