Ngày 21 tháng 10 năm 2020, UBND thành phố Nha Trang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/TU ngày 01/10/2020 của Thành ủy Nha Trang về việc tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố Nha Trang
Theo đó, UBND thành phố Nha Trang đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị thuộc thành phố và UBND các xã, phường cần tập trung thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền sau:
Nội dung tuyên truyền
1.1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, trong đó chú trọng một số nội dung sau:
- Xu thế biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình thiên tai trên thế giới và Việt Nam; những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống Nhân dân.
- Tuyên truyền kết quả triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; bài học kinh nghiệm; những khó khăn, thách thức hiện nay.
- Vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, đổi mới tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.
- Tầm quan trọng của việc lồng ghép công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các địa phương, đơn vị.
- Việc đầu tư, nâng mức bảo đảm của hệ thống công trình phòng, chống thiên tai như: Hồ thủy lợi; khu tàu thuyền tránh trú bão; hệ thống đê điều, kè, công trình chỉnh trị sông, biển; hệ thống thông tin liên lạc, giám sát thiên tai; khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng.
- Công tác xã hội hóa, hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; các giải pháp nâng cao độ tin cậy của dự báo, cảnh báo; cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin, phát triển hệ thống ưu tiên cảnh báo khẩn cấp về thiên tai lớn.
- Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, theo phương châm “bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ).
- Tuyên truyền hoạt động của lực lượng cứu hộ, cứu nạn các cấp và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở.
1.2. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thiên tai.
1.3. Giới thiệu, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân tiêu biểu; những sáng kiến, mô hình hay, giải pháp hiệu quả của các địa phương, đơn vị; phát hiện, đấu tranh kịp thời với những hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai; biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; những hành vi tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.
Hình thức tuyên truyền
2.1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: đài truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, mạng xã hội,...
2.2. Tuyên truyền qua các ấn phẩm: Bản tin nội bộ, tài liệu tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp, tờ gấp,...
2.3. Tuyên truyền trực quan: Tranh cổ động, pa-nô, áp phích, phướn, các bảng điện tử,...
2.4. Tuyên truyền bằng xe lưu động vào thời điểm dự báo sắp xảy ra thiên tai đến từng thôn, tổ dân phố, địa bàn dân cư, chú trọng địa bàn khả năng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.
2.5. Tuyên truyền lồng ghép tại hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên từ thành phố đến cơ sở; thông qua sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, họp chi bộ, thôn, tổ dân phố, các chương trình sinh hoạt ngoại khóa và thể chất trong nhà trường,...
Biện pháp thực hiện
Phòng Kinh tế- Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố:
- Cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tin, tuyên truyền và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố về diễn biến tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, thông tin cảnh báo thiên tai... để chủ động có biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời.
- Chủ trì việc xây dựng kế hoạch, nội dung thực hiện tuyên truyền hàng năm, đặc biệt là xây dựng phương án tuyên truyền, ổn định trật tự xã hội trong trường hợp thiên tai khẩn cấp.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo tài liệu, định hướng thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với những kịch bản cụ thể.
Phòng Văn hóa và Thông tin:
- Hướng dẫn Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố, UBND các xã, phường thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đa dạng hóa các phương pháp truyền thông, chú trọng tuyên truyền trực quan; tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động và trên đài truyền thanh cơ sở phát tin về cảnh báo thiên tai trong trường hợp khẩn cấp.
- Phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình hình thiên tai để tung tin không chính xác, gây hoang mang trong xã hội.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố:
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trực quan, lưu động bằng xe về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin.
- Chỉ đạo bộ phận truyền thanh xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời thông tin cảnh báo trong trường hợp khẩn cấp; giới thiệu, nhân rộng các sáng kiến, mô hình hay trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Phòng Giáo dục và Đào tạo:
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lồng ghép vào các chương trình sinh hoạt ngoại khóa để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức về thiên tai, biến đổi khí hậu, cảnh báo về thảm họa do thiên tai gây ra, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.
Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội để phòng ngừa, ứng phó thiên tai.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về chính sách và chế độ trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội do chịu tác động của thiên tai.
Phòng Tài chính - Kế hoạch:
Cân đối kinh phí để tham mưu, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên tinh thần đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
UBND các xã, phường:
- Căn cứ Kế hoạch này tổ chức xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm giảm thiểu tác động và thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
- Xây dựng lực lượng tuyên truyền viên về phòng, chống thiên tai nhất là các địa bàn xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt khi mưa lớn.
- Báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có yêu cầu.