Một tháng sau ngày quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn nổ súng mở đầu Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, ngày 23/10/1945, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đồng loạt tấn công địch tại nhiều vị trí trong thị xã Nha Trang, mở đầu Cuộc kháng chiến ở Khánh Hòa và Nam Trung Bộ.
Ngày nay, Nha Trang có con đường 23 tháng 10 rộng dài tít tắp, nối trung tâm thành phố với huyện Diên Khánh, cửa ngõ phía Nam. Vì sao con đường huyết mạch, quan trọng hàng nhất nhì Nha Trang có tên gọi đặc biệt như vậy? Và vì sao công viên Võ Văn Ký trước đây nay được đổi tên thành công viên 23 tháng 10?
Sách "Nha Trang 23/10/1945" ghi: Rạng sáng ngày 23/10/1945, các chiến sĩ của ta chủ động tấn công vào nhiều vị trí đóng quân của địch như nhà ga xe lửa, nhà đèn, khu Bình Tân... Tại ga Nha Trang, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đại đội trưởng tự vệ Võ Văn Ký đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Anh là liệt sĩ đầu tiên của Nha Trang - Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thị sát mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa ngày 27/1/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã kịp thời biểu dương, động viên quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa: "Với biết bao khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã bám trụ vững chắc một thời gian dài trên tuyến lửa, tiêu diệt và tiêu hao, giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại âm mưu ‘đánh nhanh thắng nhanh’ của địch. Cho đến lúc này, giao thông của ta từ Bắc vào Nam vẫn thông suốt để Trung ương vẫn tiếp tục chuyển vũ khí, bộ đội vào Nam, tạo điều kiện cho hậu phương chuẩn bị kháng chiến".
101 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa luôn được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Trong thư gửi quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi các chiến sĩ ở mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn".
Năm 1993, Hội đồng nhân dân tỉnh khánh Hòa ra Nghị quyết lấy ngày 23 tháng 10 làm Ngày Khánh Hòa kháng chiến. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều công trình gợi nhớ về sự kiện 23-10 như: đường 23-10; trường THCS Võ Văn Ký; công viên và tượng đài Võ Văn Ký tại TP Nha Trang; đường Võ Văn Ký tại thị xã Ninh Hòa, quê hương Anh hùng liệt sĩ Võ Văn Ký.

Đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Công viên 23 tháng 10, thành phố Nha Trang. Ảnh: Nguyên Anh.
Đối diện di tích lịch sử Ga Nha Trang là công viên Võ Văn Ký, nay là Công viên 23 tháng 10. Cách đó không xa là ngôi trường trung học cơ sở, nơi mà thầy và trò nhà trường rất đỗi tự hào khi được dạy và học trong ngôi trường mang tên người anh hùng Võ Văn Ký. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức kỷ niệm ngày 23-10, mời đại diện Ban Liên lạc 23-10 đến nói chuyện với giáo viên và học sinh, tổ chức dâng hương ở công viên và tượng đài 23 tháng 10; cử đại diện ban giám hiệu, hội phụ huynh và học sinh đi viếng mộ liệt sĩ Võ Văn Ký tại nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thăm và tặng quà những chiến sĩ 23 tháng 10 nay đã già yếu.
Kỷ niệm 75 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của quê hương, dân tộc, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử sự kiện 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, nhằm tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyên Anh - Tổng hợp