UBND thành phố Nha Trang giới thiệu một số nhà hàng trên địa bàn
XEM TẠI ĐÂY
1. Bún lá cá dầm
Bún lá cá dầm dân dã nhưng nổi tiếng thơm ngon, nước dùng để chan bún, được nấu từ các loại cá ngon từ biển Hòn Khói.
Một trong những bí quyết mang lại vị thơm ngon của bún lá cá dầm là nồi nước dùng luôn trong, không bị đục nước, ăn bún cá lá dầm với rau sống xà lách, bắp chuối sắt nhỏ trộn với giá, rau thơm, dưa leo nặn thêm chút chanh, thêm chút ớt vừa nóng vừa cay vừa ngọt mới hiểu tại sao một món ăn giản đơn như thế trở thành món ăn quen thuộc nổi tiếng của người dân nơi đây. Một số địa chỉ nấu bún cá ngon được yêu thích tại Nha Trang:
- Bún canh cá dầm Bà Thừa: số 10A Phan Chu Trinh, Nha Trang
- Bún cá mịn - Bún cá Ninh Hòa: số 170 Bạch Đằng, Nha Trang
- Bún cá Cây Bàng: số 06 Hàn Thuyên, Nha Trang
2. Nem Ninh Hòa
Nem Ninh Hòa là một trong những món đặc sản của Khánh Hòa, nguyên liệu chính làm nem là thịt heo được lựa chọn và chế biến công phu theo cách riêng của người dân vùng đất Ninh Hòa.
Tùy theo mức độ định trước cho nem lên men chua, lâu hay mau mà cho lớp lá dày mỏng thích hợp. Nem chua gói ban ngày đủ độ chua, ăn nem chua kèm tép tỏi vừa có hương vị đặc biệt vừa có độ giai giòn rất được du khách ưa chuộng. Ngoài ra còn có Nem nướng được chế biến từ thịt giã nhuyễn sau đó viên lại rồi nướng trên than hồng. Được ăn kèm với bánh tráng và các loại rau như: Diếp cá, khế, chuối chát...
Địa chỉ:
- Nem Đặng Văn Quyên: Cơ sở 1- Số 16A Lãn Ông , Xương Huân, Nha Trang, Khánh Hòa
- Nem Đặng Văn Quyên: Cơ sở 2 - Số 02-04 Phan Bội Châu, Phường Xương Huân, Nha Trang, Khánh Hòa
- Quán Nem Nướng Vũ Thành An: 15 Lê Lợi, Nha Trang
3. Bánh Xèo Nha Trang
Đến Nha Trang phải nếm qua bánh xèo hải sản, đặc biệt là bánh xèo mực. Bánh xèo nơi nào cũng giống nhau, cùng một cách chế biến, nhưng bánh xèo Nha Trang nói riêng, hay miền Trung nói chung khác với bánh xèo Sài Gòn hay miền Nam là không đổ bằng chảo mà có khuôn.
Ngược dòng thời gian, khuôn bánh xèo có lẽ là “khúc biến tấu” của khuôn bánh căn, xuất phát từ Ninh Thuận, nơi người Chăm sản xuất những vật dụng gia đình bằng đất sét nung như: lò, lu, vại... Trong quá trình lưu thông hàng hóa, lò bánh căn được đưa đến bán các tỉnh lân cận như: Phan Thiết, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Lạt… Theo yêu cầu của người dùng, nhà sản xuất làm thêm khuôn bánh xèo.
Một lò có thể từ 4 - 6 khuôn, đường kính khuôn khoảng hơn tấc hay hơn. Có gia đình thích ăn bánh xèo nhỏ, có gia đình thích cái bánh nhỉnh hơn. Theo thời gian, có lẽ khuôn bằng đất dễ bị nứt vỡ, không bền, người ta chế tạo khuôn sắt có tay cầm cho dễ thao tác. Khuôn sắt mua về phải gắn thêm một khúc cây nối vào tay cầm cho khỏi nóng tay.
Nha Trang lợi thế về hải sản nên nhân bánh xèo được ưa chuộng là mực và tôm. Có người thích ăn bánh xèo tôm, có người thích bánh xèo mực, cũng có người thích cả hai. Bánh xèo tôm thường giòn hơn bánh xèo mực vì mực ra nước. Tuy nhiên nếu biết chọn mực và để cho bánh hơi “xê” một chút vẫn có được cái bánh xèo mực giòn ngon.
Bánh xèo vừa chín là vớt được. Có người thích ăn bánh xèo giòn nhưng lại có người thích ăn bánh nhão. Ăn cái bánh giòn, cảm giác thanh cảnh hơn. Xong một cái bánh chén mắm vẫn còn để ăn tiếp cái khác. Bánh nhão xong mỗi cái là… sạch chén. Lại có người thích ăn bánh xèo để nguội. Rau kèm thường là xà lách, cải non, rau đắng, rau thơm.
Độ ngon của bánh xèo còn quyết định bởi nước chấm. Nước mắm pha chế không ngon, hỏng hết nhân tôm, mực, thịt ba chỉ… Có người chỉ làm mắm ớt tỏi giã nhuyễn, vắt chanh, nêm đường vừa ăn, có người làm mắm với thơm cà xay nhuyễn trộn với ớt tỏi. Nước mắm sao cho vừa ăn, mặn mặn, ngọt ngọt, có xíu vị chua… Nói chung bí quyết pha chế tùy người chế biến, đặc biệt màu phải đẹp (đỏ, vàng, tép chanh nổi lên trên mặt) mới hấp dẫn. Ở Nha Trang có hàng bánh xèo có nước tương được pha chế từ thịt băm nhuyễn, cốm giã nhỏ, gia vị các thứ pha với mắm ớt tỏi. Bánh xèo tôm mực bán ở rất nhiều nơi trong thành phố. Các địa điểm nổi bật:
- Bánh xèo Cô Tám - Số 6 Tháp Bà, Nha Trang
- Bánh xèo Vàng - 151 Trần Nguyên Hãn, Nha Trang
- Bánh xèo Tháp Bà - Đường Tháp Bà, Nha Trang
- Bánh xèo Hẻm 172 Đường Bạch Đằng, Nha Trang.
4. Bún Sứa Nha Trang
Một lần đến Nha Trang, phải thưởng thức ngay món này. Nếu các bạn bỏ qua món bún sứa, xem như chưa biết hết biển Nha Trang đấy!
Sứa để làm bún sứa là loại nhỏ bằng đầu ngón chân cái hoặc ngón tay cái, màu trắng đục, thành dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Loại sứa này do các ngư dân vớt tận các đảo xa. Nước dùng được nấu bằng cá liệt, loại cá chỉ lớn chừng ba ngón tay phần đuôi thắt lại trông như cái nơ nhỏ, không xương nhỏ và ngọt lừ. Ngoài ra còn có chả cá bao gồm các loại cá trứ danh: thu, nhồng, đối... được lóc xương lấy thịt quết đến nhuyễn và dai, sau đó vo thành viên nhỏ rồi hấp chín. Khi ăn, chỉ cần lấy bún, rau ghém, sứa đã rửa sạch và vài viên chả cá cho vào tô, chan nước dùng nóng hổi là đã thành tô bún ngọt vị cá, giòn tươi từng miếng sứa. Món bún sứa xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng bún sứa Nha Trang từ xưa đến nay là nổi tiếng nhất. Người dân biển xa quê lâu ngày, trở về Nha Trang nhất định phải tìm bún sứa, không câu nệ phải tìm đến những nơi nổi tiếng, bởi vì bản chất của món bún này đã đậm đà vị biển - hương vị quê nhà. Cách nấu bún sứa mang đậm văn hóa ẩm thực của miền Trung quanh năm rì rầm sóng biển, vốn chỉ nấu nước dùng bằng các loại cá, không dùng thịt, các nguyên phụ liệu khác cũng từ biển và hạn chế dùng quá nhiều gia vị. Cho nên tô bún sứa ngọt lừ nhưng vẫn thanh và không ngán. Nếm vào một chút, đã gợi nhớ hình ảnh những người chị, người mẹ tảo tần mỗi sáng sớm lặn lội ra bãi cá, mua những con cá, con mực tươi ngon đem về hấp hoặc luộc. Để rồi trong căn nhà nhỏ giữa gió lộng cát trắng, cả nhà quây quần bên bếp sì sụp ăn cá chấm muối ớt mà ngọt tận đáy lòng.
Không chỉ người từng sống ở Nha Trang, mà khách đến biển cũng không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn của tô bún sứa giản đơn ấy. Bởi vì chính sự giản đơn trong cách chế biến lại là nét đặc trưng nhất của ẩm thực xứ biển, vốn luôn muốn giữ lại hương vị thiên nhiên một cách toàn vẹn nhất. Chính vì vậy, về biển, khách sẽ thường xuyên được thưởng thức những món hải sản luộc, hấp, nướng... chấm muối tiêu hay muối ớt, nhưng lại khó quên do vị ngọt của thiên nhiên ban tặng cho. Như tô bún sứa là một ví dụ . Bạn hãy ăn một lần, rồi sẽ biết có quên được hay chăng?
5. Bánh canh chả cá Nha Trang
Bánh canh chả cá Nha Trang là món ăn đặc sản mà khách đến vùng biển này phải tìm ăn bằng được Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon do làm từ cá tươi, từng đĩa chả cá chiên vàng, được bày trên bàn các hàng bánh canh, bún cá buổi chiều rất hấp dẫn.
Cá để làm chả thường là các loại cá ngon: cá mối, cá thu, cá thửng, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ v.v... nhưng ngon nhất để làm chả là cá thu, cá mối, cá rựa. Chả cá có hai loại chả hấp và chả chiên, có người thích ăn chả chiên vì nó thơm, có người thích ăn chả hấp vì nó ngọt. Dù là chiên hay hấp, chả cá luôn có một vị đặc trưng giống nhau: dai, mềm, ngọt vị cá, đậm đà hơn nếu chấm một chút xíu nước mắm tỏi ớt đậm đặc.Làm chả cá rất đơn giản, tuy có hơi nhọc công bởi khâu giã cá: cá tươi, rửa sạch, nạo lấy thịt. Hành, tỏi tiêu, gia vị giã nhuyễn, bỏ cá đã nạo vào cối quết thật nhuyễn, món chả cá càng quết nhuyễn thịt càng dai, quết đến khi thật nặng tay thì thôi. Chả được vê lại thành vê để chiên. Nếu là chả cá hấp thì cho thêm ít mỡ khổ xắt hột lựu, một ít nấm mèo xắt nhỏ trộn đều, hấp đến khi gần chín đập vào một cái trứng cho bề mặt có mầu vàng.Chả cá là nguyên liệu chính của món bánh canh hay bún cá. Cá sau khi đã lóc hết thịt, lấy xương, xương ninh lấy nước, nồi nước ngọt bởi xương cá, nêm gia vị tùy theo bánh canh hay bún cá. Nếu bún cá thì khi ăn cho vào ít hành tây, cà chua và ăn kèm với rau sống. Bánh canh thường có ba loại: bánh canh bột gạo, bánh canh bún và bánh canh bột lọc. Bột lọc được làm bằng bột mì hay bột năng và bánh canh bột lọc thường phải nấu với cua. Bánh canh bột gạo làm như làm bánh phở; bánh canh bún là một loại bún cọng to.Buổi xế chiều từng hàng bánh canh, bún cá được dọn ra, trên bàn là đĩa chả cá chiên vàng, một khay chả cá hấp mầu vàng óng, một thau nhỏ vừa hành lá xắt nhỏ, vừa hành củ được chẻ thành sợi, một hủ hành khô phi vàng, cạnh đấy là đĩa chanh được cắt thành từng miếng nhỏ và tô nước mắm ớt tỏi đậm đặc. Bà bán hàng múc tô bánh canh nghi ngút khói, bỏ vào một nhúm chả cá chiên đã xắt thành từng miếng nhỏ, cho vào một ít hành lá, một ít hành củ, rưới thêm tí tiêu, bỏ thêm ít hành phi...Thực khách vắt vào tô bánh canh một miếng chanh, cho thêm chút mắm ớt, tỏi, xì xà, xì xụp húp, kêu thêm một đĩa chả cá hấp, bên trên phủ một lớp hành tây thái mỏng, chấm với nước mắm ớt tỏi đậm đặc. Ăn xong thực khách hài lòng với món ăn dân dã mà đầy hương vị.
6. Bánh Căn Nha Trang
Bánh căn Nha Trang luôn hấp dẫn khách du lịch bởi hương vị dân dã nhưng lại thơm ngon đặc biệt. Nếu có dịp đến thành phố biển xinh đẹp, bạn đừng bỏ qua món ăn truyền thống này nhé!
Bánh căn hay còn gọi là bánh bột gạo nướng có nguồn gốc từ người Chăm ở Ninh Thuận, sau đó trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều tại các tỉnh thành khác như Quy Nhơn, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đà Lạt,... Tuy nhiên, bánh căn Nha Trang có cách chế biến mới lạ với hương vị đặc trưng riêng mà chỉ có thể tìm thấy tại thành phố biển này.
Bánh căn có hình dạng tròn khá giống với bánh khọt miền Nam, nhưng được nướng trên khuôn đất nên vỏ bánh mềm và không gây ngán bởi dầu mỡ. Sự kết hợp hoàn hảo giữa vị thơm bùi bột gạo, béo của trứng và tươi ngon của các loại nhân tôm, mực, thịt bằm,... đã làm nên tên tuổi cho món ăn này.
Món bánh đặc sản Nha Trang sẽ ngon hơn khi ăn kèm với mỡ hành, xoài chua bào sợi, rau thơm và các loại nước chấm như mắm tỏi, nước thịt xíu mại hoặc nước cá.
Người dân địa phương tại đây thường sử dụng loại hạt gạo tẻ to làm nguyên liệu chính để chế biến món bánh căn Nha Trang. Sau khoảng 6 tiếng ngâm trong nước, gạo sẽ được xay nhuyễn, pha loãng với lượng bột vừa phải và thêm một ít bột cơm nguội để bánh nở phồng giòn đều khi chín. Cuối cùng là đổ bột vào khuôn bánh để nướng chín trên bếp than hồng và rải đều các loại nhân lên bề mặt.
7. Gỏi Cá Mai
Gỏi cá Khánh Hoà tuy chưa có bề dày ‘truyền thống’ và nổi tiếng như món chả cá Lã Vọng Hà Nội nhưng cũng có những nét độc đáo riêng. Gỏi cá Khánh Hoà chủ yếu làm từ cá Mai, cá Mú, hai loại cá biển rất sẵn của vùng. Cá để làm gỏi phải thật tươi, thậm chí vài phút trước khi ăn vẫn đang bơi lội trong nước. Hơn thế, các loại gia giảm, rau sống ăn kèm cũng được lựa chọn công phu, cầu kỳ. Ngoài các loại rau thơm thông thường như húng quế, mùi, tía tô, rau răm, nhất thiết phải có một số loại rau, củ đặc biệt như đinh lăng, giấp cá, đọt sung, búp dâu, củ riềng, chuối xanh, đọt xoài,.. Các loại rau củ ăn kèm này có tác dụng khử mùi tanh của cá, làm ấm bụng, tiêu thực và giả độc rất tốt. Do đó, tuy ăn thịt cá sống đấy nhưng với sự trợ giúp của các loại rau gia vị, bạn sẽ không còn cảm thấy mùi tanh, hương vị ngon miệng khó quên. Theo Đông y, gỏi cá là món ăn mát, an thần, tạo cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng cho thực khách. Nên dù chỉ là món ăn chơi nhưng lại là thang thuốc bổ.
8. Gỏi Bò Khô - Tàu Hủ Đá
Món ăn vặt Nha Trang phổ biến của người dân xứ biển chính là gỏi bò khô và tàu hủ đá. Món ngon Nha Trang này có nguyên liệu chính là gỏi đu đủ bào sợi trộn với bò tẩm gia vị phơi khô, thêm chút rau răm, đậu phộng kèm bánh phồng tôm. Thực khách sẽ tự pha nước tương, dấm và ớt theo tỷ lệ mình muốn cho hợp khẩu vị. Ngoài ra, quán còn bán thêm tàu hủ đá nước cốt dừa ngọt béo siêu ngon! Sau khi ăn gỏi cay, tráng miệng bằng tàu hũ đá thì còn gì bằng phải không?
Hãy ghé quán gỏi bò khô Hưng Thịnh tại đường Hàn Thuyên, Xương Huân, Nha Trang để thưởng thức vị gỏi bò khô đậm đà này nhé.
9. Bánh Đập Nha Trang
Lần đầu đến Nha Trang và chưa biết nên ăn gì ngon ở Nha Trang thì nên thưởng thức món bánh đập lạ mắt và ngon miệng. Vốn là đặc sản của người Quảng Ngãi nhưng khi du nhập vào Nha Trang thì nó lại mang đậm hương vị miền Trung. Món bánh là sự kết hợp giữa bánh tráng nướng và bánh ướt nóng dát mỏng. Nhân bánh rắc chút mỡ hành, tôm khô để tăng thêm gia vị. Khi ăn chấm kèm nước mắm pha loãng và thịt nướng hoặc chả. Đi đâu ăn bánh đập Nha Trang ngon?
- Bánh cuốn, bánh ướt Diner: 16 Hồng Lĩnh
- Bánh đập: 69 Huỳnh Thúc Kháng
- Bánh cuốn Bình Minh: 29 Lê Đại Hành
10. Cơm Gà
Cơm gà Nha Trang là món ăn đơn giản nhưng lại mang hương vị đặc biệt riêng nhờ vào nước dùng từ nước gà luộc và sốt bơ làm từ trứng. Phần cơm kèm thịt gà xé và lòng gà ăn một suất là bao no nhé! Chất lượng của hầu hết các quán cơm gà Nha Trang gần như là như nhau, mức giá dao động cũng chỉ từ 20 đến 30 nghìn đồng một phần ăn.
Quán cơm gà Nha Trang ngon:
- Cơm gà Trâm Anh: 10 Bà Triệu, Phương Sài, Nha Trang
- Cơm gà Hà: 15-1 Trần Bình Trọng
- Cơm gà Đăng Dũng: 30 Lý Tự Trọng
- Cơm gà Út: 60B Yersin
- Cơm gà A Tài: 55 Trịnh Phong, Tân Lập, Nha Trang
11. Hải Sản Nha Trang
Đến Nha Trang thì nhất định phải ăn hải sản cho thỏa thích rồi. Nguồn hải sản phong phú, tươi ngon với mức giá phải chăng là điều thu hút nhiều khách du lịch tìm đến Nha Trang. Các món hải sản Nha Trang như cua ghẹ hấp, ốc nghêu xào, tu hài nướng v.v... luôn được lòng người dân địa phương cũng như du khách gần xa.
12. Bánh Canh Tôm Tít
Tôm Tít - hay còn có tên gọi Bề Bề - là món ngon Nha Trang được nhiều người yêu thích. Tôm Tít dù hấp đơn giản hay tẩm ướp gia vị công phu rồi đem đi nướng chín trên than hồng đều có vị ngon riêng. Tuy nhiên, một đặc sản miền biển mà bạn không thể bỏ lỡ chính là bánh canh Tôm Tít. Sợi bánh canh bột gạo mềm dai, nước dùng đậm đà và thịt tôm ngon ngọt đã tạo thành “bộ ba hoàn hảo” cho những ngày trời mát mẻ. Vừa nghe thôi đã thấy thèm rồi các bạn nhỉ?
Các quán Bánh canh Tôm Tít ngon ở Nha Trang:
- Quán số 101E đường A1, Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa
- Bánh Canh Tôm Tít Thịt Cua: 03 Yết Kiêu, Vạn Thắng, Nha Trang, Khánh Hòa
- Tiệm Bánh Canh Ghẹ Tôm Tít - Khu Đô Thị Vĩnh Điềm Trung: 105 B1 (Đàm Quang Trung) Khu Đô Thị Vĩnh Điềm Trung, X. Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa